Trong những năm qua, ngành chăn nuôi có sự
chuyển biến khá nhanh về quy mô và chất lượng, ở nhiều địa phương chăn nuôi
chiếm vị trí quan trọng trong giá trị của ngành nông nghiệp. Phát triển chăn
nuôi đem lại hiệu quả khá cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông
thôn, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi
đang đứng trước hai thách thức rất lớn đó là tình hình dịch bệnh và các biểu
hiện cực đoan của thời tiết (còn gọi là biến đổi khí hậu).
Biến đổi khí hậu đã gây ra các hiện tượng thời tiết
cực đoan như: mưa lũ, nắng nóng kéo dài, rét đậm, rét hại... làm ảnh hưởng mạnh
đến đời sống con người và sản xuất nông nghiệp trong đó có chăn nuôi. Sự tăng
nhiệt độ và độ ẩm trong không khí qua từng năm cũng chính là một trong những
nguyên nhân làm xuất hiện nhiều loại bệnh trên đàn gia súc, gia cầm làm cho giá
trị sản xuất ngành chăn nuôi giảm.
Khi biến đổi khí hậu diễn biến khó lường là điều
kiện thuận lợi để các loài ký sinh trùng gây bệnh, một số loại mầm bệnh tồn tại
và phát triển dễ dàng hơn, thời điểm phát sinh dịch bệnh cũng thay đổi làm con
người khó dự đoán để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Bên cạnh đó, nguồn thức ăn,
nguồn nước, đất đai ngày càng khan hiếm làm giảm khả năng thích ứng của vật
nuôi với điều kiện bên ngoài dẫn đến nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh ở gia
súc, gia cầm, làm tăng chi phí thuốc thú y. Đặc biệt là các dịch bệnh truyền
nhiễm trên đàn vật nuôi ngày càng tăng như bệnh LMLM, cúm gà H5N1, H7N9,… gây
thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi.
Trên
địa bàn tỉnh Phú Thọ, những năm gần đây biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến
đời sống của nhân dân và sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, tính riêng ngành
chăn nuôi, từ 2011-2017, toàn
tỉnh đã
phát hiện 146 ổ dịch bệnh các loại: 11 ổ dịch lợn tai xanh ở 362 hộ chăn nuôi với 3.080
con lợn mắc bệnh, trong đó chết 96 con, buộc tiêu huỷ 2.179 con với trọng lượng
khoảng 104.033 kg; 22 ổ
dịch LMLM làm
449 con gia súc (241 con trâu, bò và 208 con lợn) của 161 hộ chăn nuôi mắc
bệnh, trong đó có 45 con lợn bị chết phải tiêu hủy; 08 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 với
tổng số gia cầm mắc bệnh là 9.060, số gia cầm tiêu hủy là 10.830 con; 105 ổ
bệnh dại chó, tiêu hủy 127 con chó phát bệnh.
Để giảm thiểu thiệt hại do những biểu hiện cực đoan
của thời tiết và dịch bệnh đến ngành chăn nuôi, cần áp dụng đồng bộ các biện
pháp sau:
Một là, Ngành nông nghiệp cần chủ động tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi theo hướng chiến lược
lâu dài bằng việc nêu cao vai trò của liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, doanh
nghiệp và nhà khoa học trong sản xuất chăn nuôi. Cụ thể: phát huy vai trò và
tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
(trong đó có sản xuất chăn nuôi). Tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về 02 Nghị quyết của HĐND tỉnh Phú Thọ là: Nghị quyết số 15/NQ/2014/NQ-HĐND
ngày 15/12/2014 về quy định chính sách
hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào Nông nghiệp, nông thôn trên
địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2015-2020 và
Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐND ngày 19/7/2016 về cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn
2016-2020. Đồng
thời, tổ chức liên kết sản xuất, trọng tâm là xây dựng các mối liên kết, hợp
tác giữa các doanh nghiệp cung ứng đầu vào (giống, thức ăn, thú y,…) và các
doanh nghiệp đầu ra (chế biến, tiêu thụ sản phẩm).
Hai là, lựa chọn những đối tượng gia súc, gia cầm
phù hợp với thế mạnh của từng địa phương để phát triển theo hướng sản xuất hàng
hóa.
Ba là, UBND tỉnh cần rà soát lại quy hoạch vùng chăn
nuôi, thực hiện liên kết vùng và phát triển theo từng đối tượng vật nuôi; ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ, phát triển
chăn nuôi phù hợp với ứng phó biến đổi khí hậu của vùng.
Bốn là, đẩy nhanh áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống
phù hợp với các vùng hạn hán, trồng và chế biến thức ăn, xử lý chất thải nhằm
giảm thiểu ô nhiễm môi trường dịch bệnh.
Năm là, cần thay đổi phương thức chăn nuôi phù hợp
để đáp ứng và thích nghi với sự biến động của biến đổi khí hậu, chuyển từ chăn nuôi quảng canh sang bán thâm canh,
nhân rộng mô hình trang trại chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp.
Sáu là, các cấp,
ngành và địa phương cần chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin dự
báo về tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; tuyên truyền, hướng dẫn các
hộ chăn nuôi tuân thủ đầy đủ các quy định phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ môi
trường nhằm tránh những thiệt hại về kinh tế.
Ứng phó để giảm
thiệt hại trong chăn nuôi do cực đoan của thời tiết và dịch bệnh gây ra không
chỉ là nhiệm vụ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương mà là nhiệm vụ chung
của toàn xã hội. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức của mình trong việc tuân thủ
các quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh, chung tay bảo vệ môi
trường từ đó góp phần giảm thiểu các biểu hiện của biến đổi khí hậu, có như vậy
ngành chăn nuôi của tỉnh Phú Thọ nói riêng và của cả nước nói chung mới có thể
phát triển theo hướng bền vững, an toàn./.
Lê Thanh Hải – Chi cục Thú y