Hiện nay, an toàn thực
phẩm (ATTP) luôn là vấn đề nóng bỏng và là vấn đề được quan tâm đặc biệt trong
đời sống xã hội. Chính vì vậy mà trong thời gian qua, các cấp, các ngành và cả
hệ thống chính trị đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy
lùi tình trạng mất ATTP. Ngày 17/6/2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị
số 09/CT-UBND yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện,
thành, thị tăng cường trách nhiệm và hiệu lực quản lý nhà nhà nước trong công
tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Cùng với đó, công
tác thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP được thực hiện thường
xuyên, liên tục và đi vào nề nếp đã bước đầu nâng cao ý thức chấp hành pháp
luật về ATTP của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong quá trình thanh, kiểm
tra, hầu hết các trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý bằng nhiều hình thức
khác nhau, bảo đảm đúng pháp luật, được công khai kịp thời trên các phương tiện
thông tin đại chúng, giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, trong thực tế
hiện nay vì lợi nhuận một số tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn bất chấp
không tuân thủ quy định do đó, công tác bảo đảm ATTP đang phải đối mặt với
những thách thức rất lớn. Đó là vấn đề dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật, dư
lượng thuốc thú y, hoá chất bảo quản nông sản thực phẩm như rau, quả, thịt gia
súc, gia cầm, thủy sản trong sản xuất vẫn chưa kiểm soát được triệt để. Quá
trình chế biến thực phẩm còn nhiều hạn chế do trình độ, quy mô sản xuất với gần
90% là chế biến thủ công, hộ gia đình vì vậy điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ
sở chế biến thực phẩm hầu như không đạt yêu cầu. Mặt khác, vấn đề thực phẩm
buôn bán trên thị trường vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả, thực phẩm giả, thực
phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu còn lưu thông trên thị trường
làm ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng.
Nguyên nhân của thực
trạng này, một phần là do hệ thống tổ chức quản lý về ATTP tuy đã hình thành
nhưng chưa có sự vào cuộc thực sự của các xã, phường, thị trấn do đó công tác
quản lý các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ còn bị buông lỏng. Công
tác giám sát, quản lý chất lượng thực phẩm mới thực hiện được ở phần “ngọn”;
nhiều trường hợp khó định danh hành vi, vi phạm ATTP trong khi nguồn nhân lực lẫn
phương tiện giám định của các cơ quan chức năng vẫn chưa đồng bộ. Sản xuất nông
nghiệp nhỏ lẻ, phân tán, trách nhiệm của người sản xuất
quy mô nhỏ lẻ đối với sức khỏe cộng đồng chưa cao; một số nông
hộ chưa chú trọng tới nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để có tem nhãn gắn trên sản
phẩm. Do tập quán người tiêu
như tiện đâu mua đó, cứ rẻ là mua dù không rõ nguồn gốc, chất lượng… làm cho
thực phẩm không đảm bảo an toàn vẫn được lưu thông tồn tại.
Trước thực trạng trên,
yêu cầu quản lý chặt chẽ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất là giải pháp
tích cực để đảm bảo ATTP cho các sản phẩm nông sản nói riêng, thực phẩm nói
chung. Để làm được điều này, công tác quản lý chất lượng thực phẩm phải được
thực hiện theo chuỗi, tức là quản lý từ khâu sản xuất đến lưu thông, sơ chế,
chế biến thực phẩm, đóng gói để chuyển đến tay người tiêu dùng. Theo đó, muốn
nông sản an toàn đến tay người tiêu dùng cần tuyên truyền phổ biến kiến thức
khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp nông dân ứng dụng công nghệ sinh học
trong sản xuất, nuôi trồng thực phẩm an toàn. Có thể thấy rõ, muốn đảm bảo ATTP
phải xuất phát từ gốc, từ chính người sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.
Đây là khâu đầu tiên, thiết yếu và quan trọng nhất trong mục tiêu “sạch từ
trang trại đến bàn ăn”. Khuyến khích các cơ sở liên kết giữa sản xuất và phân
phối; áp dụng GAP/HACCP và các hệ thống quản lý ATTP tiên tiến khác trong quá
trình sản xuất, chế biến, kinh doanh. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm phải xuất
phát và chịu trách nhiệm từ người sản xuất, người tiêu dùng chỉ kiểm tra khi
cần thiết thì sự đồng bộ trong phát triển sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người
tiêu dùng, cộng đồng.
Bên cạnh đó các địa phương cần
tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn đã được quy hoạch trong
đó ưu tiên phát triển mở rộng các vùng trồng rau, chè, quả, chăn nuôi an toàn;
thực hiện dồn đổi, tích tụ, thuê mướn ruộng đất… để hình thành các vùng sản xuất
hàng hóa tập trung có kiểm soát. Tập trung xây dựng và mở rộng các chuỗi thực
phẩm an toàn, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật công nghệ trong sản xuất,
các quy trình thực hành nông nghiệp tốt để có các sản phẩm chất lượng, an toàn
mà các mô hình đã thực hiện trong thời gian qua tại một số địa phương là một chứng
minh thực tế như: Mô hình chuỗi sản xuất rau an toàn trong nhà lưới quy mô trên
1.000 m2, mô hình sản xuất chuối tiêu hồng quy mô 28 ha tại xã Hương
Nộn, Tam Nông; mô hình chuỗi sản xuất rau an toàn tại Tứ Xã (Lâm thao), Mai
Tùng (Hạ Hòa), Trường Thịnh (Thị xã Phú Thọ). Chuỗi liên kết chăn nuôi, giết mổ,
tiêu thụ thịt lợn tại Sơn Vy (Lâm Thao)….cho giá trị hiệu quả cao, nâng cao thu
nhập cho người sản xuất, sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng có nguồn gốc xuất
xứ rõ ràng, truy xuất được nguồn gốc giúp cho các cơ quan quản lý và các cơ sở
tham gia chuỗi xác định được các nguyên nhân mất ATTP từ công đoạn nào trong
chuỗi giá trị để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Ngoài ra cần tăng cường giám sát chất lượng
ATTP sản phẩm nông lâm thủy sản thực phẩm dựa vào sức mạnh cộng đồng, động viên, khích lệ để mỗi người dân trở thành
một tuyên truyền viên, một giám sát viên vừa tự mình cam kết không sản xuất
thực phẩm không an toàn, đồng thời giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông hàng
hóa của cộng đồng. Với những hướng đi như vậy, chắc chắn sẽ đem lại một luồng
sinh khí mới trong cuộc chiến với vi phạm ATTP, tạo chuyển biến căn bản
trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở hình thành nếp sống văn hóa:
Nông dân Phú Thọ là người sản xuất thực phẩm an toàn, người Phú Thọ tiêu dùng
thực phẩm phải an toàn, góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống
của nhân dân, nâng cao uy tín chất lượng sản phẩm nông sản Phú Thọ trong và
ngoài nước.
Nhữ Thị Ngọc Anh – CCT Chi cục QLCL NLS và TS