Năm 2017 được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung
tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ đã thực hiện mô hình Nuôi ong mật chất lượng cao
tại 2 xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao) và xã Tu Vũ (huyện Thanh Thủy) với 10 hộ tham gia, tổng số
đàn hỗ trợ ban đầu là 200 đàn, đến nay các hộ nuôi ong mô hình đã nhân lên được
231 đàn, sản lượng mật thu được gần 3.800 lít, so sánh với ong nuôi ngoài mô
hình năng suất mật thu được mỗi đàn tăng 16,78%, chất lượng mật đảm bảo không tồn
dư chất kháng sinh.
Ngày 14/12/2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Hội thảo đánh giá
mô hình nuôi ong mật chất lượng cao quy mô nông hộ thuộc dự án khuyến nông Trung ương: Mô
hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc
và miền Trung Tây Nguyên năm 2017” tại UBND xã Tu Vũ huyện Thanh Thủy.
Tham dự hội thảo có các đại biểu lãnh đạo Trung
tâm khuyến nông quốc gia, Hội nuôi ong
Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Ong và nuôi Ong nhiệt đới (Học viện Nông nghiệp VN),
Trung tâm giống gia súc Thanh Ninh, Trung tâm Giống và Chăn nuôi Nghệ An, Trung tâm Khuyến
nông các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La và nông dân nuôi ong các xã Tiên Kiên (huyện
Lâm Thao), Tu Vũ (huyện Thanh Thủy) là những người trực tiếp tham gia mô hình
khuyến nông.
Sau khi tham quan trực
tiếp mô hình nuôi ong của hộ gia đình tại xã Tu Vũ huyện Thanh Thủy và ghi nhận
ý kiến của các chủ hộ nuôi ong trong mô hình. Ông
Hoàng Văn Định, Chủ nhiệm dự án đánh giá rất cao về thành công của mô hình: số
lượng đàn, sức khỏe đàn ong nuôi tốt, sản lượng mật thu cũng như hiệu quả kinh
tế cao, chủ hộ tham gia đáp ứng yêu cầu dự án, là điểm mô hình cho các hộ dân
trong vùng có nhu cầu đến tham quan học tập. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị kinh
tế mật ong nuôi cho các hộ dân góp phần tăng giá trị mật ong tiêu dùng trong
nước và hướng tới xuất khẩu, các cơ quan chuyên môn địa phương và cơ quan quản
lý nhà nước đẩy mạnh áp dụng quy trình nuôi ong an toàn, VietGAP, GMP trong chế
biến, mở rộng liên kết sản giữa các đối tác trong ngành ong, kỹ thuật đóng
gói mật ong xuất khẩu… Ngoài ra, tại vùng sản xuất cần xây dựng các tổ hợp tác,
HTX, CLB nuôi ong, liên kết giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến, tiêu dùng, xuất
khẩu thành chuỗi hàng hóa, đầu tư áp dụng các TBKT, tuyên truyên công tác
khuyến nông để phát triển bền vững nghề ong theo hướng xuất khẩu, hình thành hệ
sinh thái bền vững.
Kết quả bước đầu của dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo
công ăn việc làm cho người dân, giúp người dân tiếp cận kỹ thuật mới về nghề
nuôi ong mật chất lượng cao, từ đó thay đổi được các tập quán lạc hậu trong
nghề nuôi ong mật. Kiểm soát được dịch bệnh trên đàn ong, giúp cộng đồng người
dân tham gia và áp dụng các biện pháp
chăn nuôi ong mật an toàn theo hướng VietGAP…
Nguyễn Hữu Tuấn - Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ